“Những trang viết này, được tập hợp lại dưới nhan đề Mong chờ Thượng đế, là những văn bản đẹp nhất mà Simone Weil đã để lại cho tôi; chúng đều được sáng tác trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 1942.”
Linh mục J.-M. Perrin
“Bất hạnh khiến Thượng đế vắng bóng một thời gian, vắng bóng hơn cả người chết, vắng bóng hơn cả ánh sáng trong ngục tối. Một nỗi ghê rợn choáng ngợp cả linh hồn. Trong thời gian Thượng đế vắng mặt, con người không còn gì để yêu thương. Điều khủng khiếp là, nếu trong cõi u tối không có gì để yêu này, linh hồn ngừng yêu thương, thì sự vắng mặt của Thượng đế trở thành vĩnh viễn. Linh hồn phải tiếp tục yêu trong sự trống rỗng, hoặc ít nhất là muốn yêu, dù chỉ với một phần nhỏ bé của chính linh hồn.”
Nói về người vừa là triết gia, vừa là nhà thần bí vĩ đại này, văn hào Albert Camus đã viết: “Bà là tinh thần cao cả duy nhất của thời đại chúng ta”. Sau chiến tranh, nhà văn Camus là người dẫn dắt in ấn các ấn bản đầu tiên của bà ở nhà xuất bản Gallimard. Trước khi lên đường đi nhận giải Nobel năm 1957, nhà văn đến mặc niệm ở phòng của bà gần Luxembourg, thủ đô Paris. Làm sao tác giả của Dịch Hạch (La Peste) lại không xúc động trước cuộc sống nhất quán này, trước sự dấn thân của bà với người lao động, với những dân tộc bị đô hộ, những người cộng hòa Tây Ban Nha, rồi đến những người kháng chiến của nước Pháp Tự do, năm 1943, Simone Weil qua đời ở Anh vì bệnh lao, bà mới 34 tuổi.